Bến thuyền Xuân Sơn Phong Nha
Bến thuyền Xuân Sơn ở Phong Nha nổi bật vị trí đắc địa rất dễ nhìn thấy, ngồi trên du thuyền vào cửa động, nhìn về bờ Nam sông Son, nếu để ý thì bạn sẽ thấy một bến phà cũ, tuy cây cối rậm rạp nhưng vẫn trông rõ dòng chữ khắc trên vách đá: “Bến phà Nguyễn Văn Trỗi”.
Vâng, đây chính là bến B của phà Xuân Sơn, được vinh dự mang tên người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, cũng là nơi đã in dấu giày của hàng vạn chiến sĩ vào Nam ra Bắc thời đánh Mỹ.
Du khách đã vào tham quan “Phong Nha đệ nhất động” một lần hoặc nhiều lần, được thưởng ngoạn bao kỳ quan do thiên nhiên ban tặng, xin hãy một lần dừng chân ngắm bến phà B.
Đây chính là kỳ quan được tạc bằng trí thông minh, óc sáng tạo, lòng dũng cảm của chiến sĩ và bằng xương máu của biết bao đồng đội đã ngã xuống vì huyết mạch giao thông, vì miền Nam ruột thịt. 40 năm đã trôi qua, cảnh vật còn đó, bến phà còn đây, dòng sông Son bình dị vẫn đong đầy bao kỷ niệm khó quên.
Không những là Di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha còn chứa đựng trong đó bao huyền thoại lịch sử mà ta chưa khám phá hết..
Gần vị trí cầu Xuân Sơn trên đường Hồ Chí Minh hiện nay là bến phà Xuân Sơn, một địa danh bị đánh phá ác liệt được ví như “túi bom” của vùng chảo lửa.
Năm 1966, do yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam, cùng với việc mở đường 20 Quyết Thắng nối Đông – Tây Trường Sơn, phà Xuân Sơn do ty Giao thông Quảng Bình phụ trách phà 18 tấn hoạt động.
Đến tháng 12-1966 thì đại đội 16 của Binh trạm 14 thuộc Đoàn 559 đảm nhiệm bến phà này.
Đại đội có 125 người, lực lượng chủ yếu là bộ đội công binh và TNXP, phương tiện gồm ca nô và cầu phao, chủ yếu hoạt động từ 7 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.
Ban ngày tránh máy bay địch, tháo dỡ phà cho ca nô kéo vào trú ẩn trong động Phong Nha.
Vũ khí đạn dược có khi cũng tập kết cất giữ luôn trong đó.